Những gia đình có ngân sách eo hẹp thường phải đối mặt với các vấn đề tài chính hàng tháng và cần các mẹo tiết kiệm thực sự chuyên nghiệp
Mẹo tiết kiệm cho những gia đình có ngân sách eo hẹp
Tìm ra cách tiết kiệm tiền với ngân sách eo hẹp là một thách thức mà nhiều gia đình hiện nay phải đối mặt. Ai cũng biết rằng mình nên tiết kiệm nhưng phải làm thế nào khi máy giặt bắt đầu tràn nước, xe máy bắt đầu phát ra tiếng ồn khủng khiếp và tiền học của con đã đến ngày phải đóng?
Một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng 63% người Mỹ không thể chi trả cho các khoản chi phí phát sinh bất ngờ. Trong khi một số người phải dùng đến tiền tiết kiệm thì có tới 29% không có khoản tiết kiệm nào.
Không có đủ tiền chi tiêu cơ bản thực sự là một cơn ác mộng, đặc biệt khi bạn đã là cha mẹ. Vì vậy, ngay từ hôm nay, hãy thực hiện 8 bước tiết kiệm chuyên nghiệp do chuyên gia tài chính Katie Berry - người sáng lập trang web HousewwifeCosmo dành cho các bà nội trợ - gợi ý và đã thành công.
Nguồn: HousewifeCosmo |
1. Tiết kiệm một khoản cố định hàng tháng
Chuyên gia tài chính Dave Ramsey từng cho rằng hầu hết chúng ta nên có một khoản tiết kiệm từ 10.000 đến 15.000 USD càng sớm càng tốt để có được tiền lãi hàng tháng giúp chi trả chi phí hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những gia đình có thu nhập thấp, số tiền đó hoàn toàn không khả thi.
Một cách tiết kiệm đơn giản hơn là dành lại 25% thu nhập mỗi tháng để xây dựng quỹ tiết kiệm chung trong suốt một năm. Đối với một gia đình kiếm được khoảng 3.500 USD/ tháng. điều đó có nghĩa là tiết kiệm 875 USD mỗi tháng, một số tiền vẫn có vẻ quá cao.
Ngay cả khi bạn không có thu nhập ổn định hàng tháng, hãy tạo thói quen để dành lại tiền. Dù vài chục hay vài trăm nghìn đồng cũng sẽ có ích cho những trường hợp khẩn cấp trong tương lai.
2. Dự đoán các chi phí phát sinh
Một quĩ tiết kiệm khẩn cấp thường bị hao mòn bởi những lí do không mấy khẩn cấp như tiền một bữa ăn dành cho người thân vào dịp đặc biệt, một trang phục lịch sự cho buổi phỏng vấn quan trọng... và bạn sẽ cần phải bổ sung lại ngay lập tức.
Đặc biệt, một số khoản chi phí phát sinh như thiết bị gia dụng bị hỏng, công trình nhà ở xuống cấp đều cần đến tiền và bạn nên tính toán đến cả những khả năng này thay vì chỉ nghĩ tới viện phí, học phí.
3. Thay đổi thái độ về tiền
Đối với một số người, tiết kiệm tiền thực sự là trải nghiệm khổ sở. Trong quá trình theo đuổi chương trình tiết kiệm, họ cảm thấy đã bỏ lỡ quá nhiều niềm vui như những buổi hòa nhạc, du lịch, quần áo mới, xe hơi hay bất cứ điều gì tương tự. Bỏ qua những cơ hội này khiến họ cảm thấy thiếu thốn và bực bội.
Đối với những người khác, tiết kiệm tiền là kết quả của một kế hoạch chi tiêu chiến lược: tiền tiết kiệm hôm nay sẽ là phương tiện để có một tương lai thịnh vượng ngày mai. Đối với họ, cẩn trọng về chi tiêu là quyền lợi và nghĩa vụ.
Vì vậy, vấn đề cốt lõi nhất chính là thái độ của bạn với tiền và việc tiết kiệm. Những người coi tiết kiệm là cực hình thường không thể theo đuổi lâu dài.
4. Dạy trẻ cùng tiết kiệm
Nhiều bậc cha mẹ không muốn giải thích với con về hoàn cảnh chi tiêu eo hẹp của gia đình. Một số người sợ rằng trẻ sẽ cảm thấy bất an và lo lắng trong khi nhiều người khác muốn con của họ không bao giờ nghi ngờ về khả năng lo toan của phụ huynh. Cả hai hành động này chỉ đưa vấn đề đến mức cực đoan và khó khăn hơn.
Một thực tế của cuộc sống là mọi người chỉ kiếm được số tiền có hạn và nếu bạn chi tiêu nhiều hơn khoản kiếm được, bạn sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Thẳng thắn chia sẻ với con bạn rằng bạn đang thực hiện các bước tiết kiệm để đảm bảo gia đình không thiếu thốn sẽ giúp trẻ biết cách xây dựng thói quen tài chính có ích và lâu dài.
Yêu cầu trẻ cùng tham gia kế hoạch tiết kiệm cũng sẽ giảm kha khá rắc rối cho phụ huynh như hóa đơn mua bánh pizza, quần áo hay đồ chơi mới.
Nguồn: HousewifeCosmo |
5. Giảm triệt để các chi phí cố định
Có những khoản chi phí cố định hàng tháng mà bạn dễ dàng xác định như tiền thuê nhà, phí bảo hiểm y tế, xăng xe, v.v ... đều được qui định mỗi tháng. Nhiều người có xu hướng cắt giảm những khoản phí này nhưng không thể kéo dài do cuộc sống bị ảnh hưởng.
Ngược lại, một số chi phí cố định có thể cắt giảm hiệu quả như tiết kiệm tiền nước vào mùa đông hoặc chi phí cho bình nước nóng trong mùa hè. Bạn cũng có thể sử dụng đồ tái chế, lái xe ít hơn và tắt các thiết bị điện khi rời khỏi nhà. Cuối tháng, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra những hành động nhỏ bé ấy lại tiết kiệm được khoản tiền lớn đến mức nào.
6. Xác định các phụ phí cần thiết
Theo định nghĩa chuyên môn, phụ phí cần thiết là những thứ tuy không nhất thiết phải có nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Một số chi phí trong danh mục này thường bao gồm một bữa ăn ngoài; ly cà phê mỗi sáng hay tiền điện thoại. Đây là hạng mục chi tiêu dễ dàng xác định và cắt giảm hiệu quả mà không cần loại bỏ.
7. Tiết kiệm bất cứ thu nhập bất ngờ nào
Chuyển số tiền còn dư sau khi đã hoàn tất thanh toán mọi chi tiêu vào tài khoản tiết kiệm cuối tháng sẽ giúp quĩ khẩn cấp của bạn tăng một cách nhanh chóng. Vì vậy, tiết kiệm bất kỳ khoản thu nhập bất ngờ nào thay vì phung phí chúng là một bước hết sức quan trọng.
Tiền thưởng tháng này? Gửi vào tiết kiệm. Bạn bán được chút ít đồ cũ và thu về chỉ vài trăm nghìn? Tiết kiệm chúng thôi! "Kiến tha lâu đầy tổ" là một câu tục ngữ thật sự có ích trong trường hợp này.
8. Kiếm thêm thu nhập
Rất ít người trong chúng ta có ý chí và kỉ luật tự giác tuân thủ 100% với các kế hoạch tiết kiệm đã vạch ra. Biết được điều này thực sự quan trọng bởi bạn thường không thể ý thức được sự phung phí vốn hay bị chúng ta khoác lên lớp vỏ "nhu cầu chính đáng".
Vì vậy, đã đến lúc bạn nên bắt đầu kiếm thêm các khoản thu nhập để trang trải cho những phụ phí yêu thích của mình. Những công việc làm thêm ngắn hạn với thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng không chỉ giúp bạn chi trả cho một bữa ăn ngoài với bạn bè mà còn giúp bạn ý thức được việc kiếm tiền khó khăn đến mức nào mỗi khi có ý định "vung tay quá trán".
Nhận xét
Đăng nhận xét