Nhiều người không biết rằng, dù tủ lạnh là nơi bảo quản thực phẩm nhưng không phải bất cứ đồ ăn hay đồ uống nào cũng có thể cho vào vì dễ gây nổ.
Nước uống có ga
Nước giải khát có ga có thể trở thành một "quả bom" nếu bạn đặt sai vị trí bảo quản chúng trong tủ lạnh. Những loại nước có ga nói chung đều chứa carbon dioxide. Khi bị làm đông, nước trong đồ uống kết tinh và chỉ để lại một khoảng không nhỏ cho các hạt cacbon dioxit. Ở nhiệt độ đóng băng, chúng sẽ nở ra và vì không gian trong bình nhỏ nên tạo ra áp lực cao. Lon nước có thể phát nổ khi nó không thể giữ được áp lực.
Đá khô
Giống như đồ uống có ga, đá khô cơ bản là dạng carbon dioxide rắn. Thông thường, đá khô được sử dụng để tạo ra hiệu ứng sương mù bằng cách ngâm nó trong nước để chất carbon dioxide trở thành khí (quá trình này gọi là thăng hoa). Tuy nhiên, ở trong ngăn đông có nhiệt độ thấp hơn -18 độ C, sự thăng hoa của đá khô được đẩy lên tốc độ rất nhanh khi carbon dioxide mở rộng từ 600 đến 800 lần so với dạng rắn.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới một nguyên tắc an toàn khác là tránh cầm đá khô bằng tay không vì sẽ có nguy cơ bị tê liệt nghiêm trọng. Vì vậy, hãy sử dụng găng tay hoặc kẹp cao su khi lấy đá khô và lưu trữ nó trong bình đựng styrofoam hoặc thiết bị làm mát cách điện.
Nước ngọt có ga, đá khô không nên cho vào ngăn đá tủ lạnh vì dễ gây cháy nổ
Rượu và chất lỏng dễ cháy
Đồ uống có cồn có thể được để trong tủ lạnh nhưng chỉ là ngăn lạnh thay vì ngăn đông. Đặc biệt cần thận trong khi những loại đồ uống này còn đóng nắp kín vì chúng có thể tạo ra áp suất dễ gây nổ.
Sữa tươi
Sữa tươi nếu bảo quản ở ngăn đá có thể bị đóng cục khi rã đông, vì vậy, đây không phải là ý tưởng hay nếu sữa để uống.
Trứng
Trứng sẽ nở ra khi bị đông lạnh nên có thể gây nổ lớp vỏ. Nếu bạn muốn đông lạnh trứng hãy loại bỏ lớp vỏ và đặt lòng đỏ và lòng trắng của trứng vào túi lưu trữ dành cho tủ đá.
Liên quan đến an toàn khi sử dụng tủ lạnh, các chuyên gia về điện tử cũng khuyến cáo, người dùng không đặt bất kỳ thiết bị điện tử nào trên tủ lạnh. Bởi nhiệt độ khác nhau và sóng điện tử sẽ làm hỏng thiết bị của bạn.
Đừng bao giờ cố gắng cạo băng từ ngăn đông, tủ đá bằng một vật sắc. Chất làm mát trong tủ lạnh là khí isobutane, một loại dễ cháy. Nếu bạn vô tình làm rò rỉ chất này bằng vật nhọn, nó có thể gây nổ.
Không nên sử dụng loại tủ lạnh quá cũ. Còn nếu đang sử dụng tủ lạnh cũ thì không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong, hay tự ý mang đi nạp gas mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh giàn ngưng nếu có bụi bám nhiều. Bởi lẽ, khí gas dùng trong tủ lạnh là một chất dễ cháy, dễ bắt lửa khi bị rò rỉ và nếu có nguồn lửa sẽ gây cháy tủ lạnh và cháy lây sang các vật khác trong nhà.
Đặc biệt, tuân thủ nguyên tắc kê tủ lạnh ở nơi thoáng mát, tránh xa các nguồn nhiệt, thiết bị điện và ánh sáng chiếu trực tiếp, cách xa tường tối thiểu 15 cm. Đưa tủ lạnh đến cơ sở sửa chữa có uy tín khi có các hiện tượng sau: Đá không đông, hoặc đá đóng tràn lan ra ngoài khay đá, hoặc thấy tủ không có hơi lạnh nữa,...
Một lưu ý nữa là khi tủ có tiếng động lớn từ máy nén hoạt động liên tục trong thời gian dài không tự ngắt; sờ hai bên hai thành tủ cảm thấy nóng hay cảm thấy có khí rất nóng tỏ ra từ máy nén; nghe tiếng động lạ từ máy nén,... thì người dùng cần phải ngắt ngay nguồn điện tủ lạnh để đảm bảo tủ không chập cháy dẫn đến phát nổ.
An Dương
Nhận xét
Đăng nhận xét